Câu chuyện thực tế

THOÁT NGHÈO TỪ TIỂU DỰ ÁN NUÔI LỢN THỊT

(Bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ)

Bản Lả Nhì Thàng thuộc xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là nơi sinh sống của 120 hộ người dân tộc Dao. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu quen với việc chồng lúa nước và trồng ngô mà không làm thêm bất cứ nghề gì tăng thêm thu nhập nên cả bản có tới 84 hộ nghèo tỷ lệ hộ nghèo chiếm 70%.

Năm 2012, biết được dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 (MNPRP2) thực hiện đầu tư trên địa bàn. Chị Tẩn Tả Mẩy cùng một số chị em trong bản mạnh dạn thành lập nhóm sở thích nuôi lợn thịt bản Lả Nhì Thàng. Nhóm được thành lập với 10 thành viên và đã xây dựng đề xuất xin dự án hỗ trợ mỗi hộ trong nhóm 2 con lợn giống và một số thức ăn chăn nuôi, theo quy định hỗ trợ của dự án.

Sau khi được nhận lợn về nuôi nhóm của chị tham gia họp nhóm mỗi tháng một lần để các thành viên trong nhóm cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, so sánh sự tăng trưởng và giải quyết những khó khăn gặp phải cũng như cách phòng và điều trị dịch bệnh cho đàn lợn.

Chị Tẩn Tả Mẩy trưởng nhóm cũng là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn bản cho biết: “Trước đây chưa được dự án hỗ trợ chăn nuôi thường thả rông, không có chuồng trại, đặc biệt vào mùa đông đàn gia xúc không đủ ấm nên dịch bệnh lây truyền nhanh và khó kiểm soát dịch bệnh, gây chết gia súc, gia cầm và đôi khi còn mất trộm gia súc, gia cầm. Đến nay nhờ sự hỗ trợ của cán bộ CF, Ban PTX và được dự án tập huấn kiến thức về chăn nuôi. Áp dụng đúng kiến thức khoa học kỹ thuật đàn lợn của nhóm đã tăng trưởng nhanh và đều. Sau 8 tháng đàn lợn của 10 hộ trong nhóm đều đã đạt được từ 70kg đến 80kg/con.”

Khi bán lợn nhóm đã họp thống nhất cùng bán và xây dựng kế hoạch sản xuất tiếp tục đầu tư chu kỳ tiếp theo, mỗi hộ mua thêm 3 đến 4 con lợn và nhóm cũng đã kết nạp thêm 3 thành viên vào nhóm và cũng trích một phần quỹ mua cho mỗi thành viên mới 2 con lợn/hộ để họ bắt đầu chu kỳ nuôi tiếp theo.

Đến nay nhóm đã duy trì được đến chu kỳ thứ 5 các thành viên trong nhóm vẫn họp nhóm đều cứ mỗi tháng một lần để chia sẻ thông tin và hỗ trợ các thành viên mới kết nạp vào nhóm, việc chăn nuôi được duy trì đến nay nhờ có sự tính toán cẩn thận của các hộ và sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý nhóm.

Việc nuôi lợn đã góp phần tăng thêm thu nhập cho các thành viên trong nhóm. Trước kia thu nhập của các hộ chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng lúa, ngô cũng vì thế mà cuộc sống của các hộ rất khó khăn không đủ ăn, giờ đây với việc nuôi lợn các hộ đã có thêm thu nhập, điều kiện cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều so với trước. Với mỗi chu kỳ nuôi trung bình các hộ nuôi từ 3 đến 4 con, lợi nhuận có thể đem lại cho các hộ từ 10 đến 12 triệu đồng/ 1 chu kỳ nuôi, số tiền này được các hộ dùng một phần để chi tiêu trong gia đình, một phần tiết kiệm dùng để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố mở rộng sản xuất.

Để có được bước đầu thành công này, điều quan trọng là các thành viên nhóm đã dám nghĩ dám làm, thay đổi lối suy nghĩ cũng như phong tục tập quán truyền thống. Sự phối kết hợp chặt chẽ của nhóm với ban phát triển xã cũng là yếu góp phần cho thành công của bà con. Điều đặc biệt là tinh thần đoàn kết “Cùng nhau thoát nghèo” của các thành viên trong nhóm đã nhận được sự ủng hộ của đoàn thể các cấp và là tấm gương để cho bà con trong bản noi theo.

Phạm Thị Hương – Lê Văn Ngọc